Trang

Thursday, April 12, 2012

Chứng khoán tiếp tục tăng mạnh

Thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch tăng điểm lẫn thanh khoản  do các cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng giá trước tín hiệu hỗ trợ từ chính sách.


Phiên hôm nay (13-4) chỉ số VN-Index chốt phiên tăng đến 6,52 điểm, tức 1,42%, lên mức 465,26. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 9-2011.
Thanh khoản trên sàn giao dịch TPHCM cũng đạt mức cao nhất từ đầu tháng 3, ghi nhận hơn 106 triệu cổ phiếu có giá trị 1.700 tỉ đồng được chuyển nhượng. Hầu hết các cổ phiếu nhỏ thuộc ngành bất động sản, xây dựng và cổ phiếu ngân hàng đều tăng và thu hút mạnh dòng tiền. Trong khi đó, các mã có vốn hóa lớn chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số HNX-Index tăng 1,03 điểm, tương đương 1,33%, và chốt ở mức 78,54. Thanh khoản trên sàn Hà Nội đạt 121 triệu cổ phiếu có giá trị hơn 1.100 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét rằng thị trường chứng khoán luôn nhạy với những tin tức về chính sách như cắt giảm lãi suất và nới lỏng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Thị trường chứng khoán hiện vẫn đang ở vùng giá thấp, vì vậy trong thời gian sắp tới có thể các cổ phiếu bất động sản sẽ vẫn hấp dẫn hơn chính thị trường bất động sản.


Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 13/4

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 13/4 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Bản tin chứng khoán ngày 13/4
Bản tin chứng khoán ngày 13/4
 *EVE: Red River Holding, cổ đông lớn CTCP Everpia Việt Nam (EVE - sàn HOSE), tiếp tục đăng ký mua vào 150.000 cổ phiếu EVE từ ngày 17/4 đến 15/6. Hiện tổ chức này đang sở hữu 2.869.500 cổ phiếu EVN, tương đương 12,5% vốn điều lệ EVE. Được biết, trong đợt giao dịch từ 6/2 đến 6/4, Red River Holding chưa mua được cổ phiếu EVE nào vì giá không phù hợp.

*KSS: Từ ngày 17/4 đến ngày 13/6, ông Nguyễn Văn Dũng, anh ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS - sàn HOSE), đăng ký bán hết 100.000 cổ phiếu KSS đang nắm giữ để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

*SSI: CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI - sàn HOSE) đã thu hồi 30.000 cổ phiếu của nhân viên nghỉ việc đã tham gia chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt năm 2011 làm cổ phiếu quỹ. Như vậy, lượng cổ phiếu quỹ của SSI tính tại thời điểm ngày 9/4/2012 là 3,03 triệu cổ phiếu.

*PXL: CTCP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí IDICO (PXL - sàn HOSE) đã bị UBCK xử phạt 40 triệu đồng do đã không thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ như đăng ký.

*CTD: Ngày 18/4 là ngày chính thức giao dịch của 10,43 triệu cổ phiếu phát hành thêm của CTCP Xây dựng Cotec (CTD - sàn HOSE). Đây là số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược và bị hạn chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm hoàn tất việc phát hành là từ 3/4/2012 đến 3/4/2015.

*BGM: CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM - sàn HOSE) xin tạm hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 vào ngày 26/4/2012 vì Công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên chưa có điều kiện tổ chức. Ngày tổ chức Đại hội sẽ được Công ty thông báo sau.

*FDC: HĐQT CTCP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP. HCM (FDC - sàn HOSE) đã quyết định bổ nhiệm ông Trần Thanh Hải là Chủ tịch HĐQT Công ty, thay thế ông Trần Hữu Chỉnh xin nghỉ hưu, kể từ ngày 11/4/2012.

*ABT: HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT - sàn HOSE) đã thông qua việc trả cổ tức đợt 1/2012 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%. Thời gian thanh toán là trong tháng 5/2012.

*PXS: Kể từ 11/4, Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2) không còn là cổ đông lớn của CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS - sàn HOSE) khi đã bán 516.200 cổ phiếu và không mua cổ phiếu PXS nào, do đó giảm lượng cổ phiếu sở hữu từ 2.382.820 cổ phiếu, tương đương 6,35%, xuống còn 1.866.620 cổ phiếu, tương đương 4,98%.

Ngày 27/4 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận nốt cổ tức năm 2011 theo tỷ lệ 3% bằng tiền mặt. Thời gian thanh toán từ ngày 7/5. Được biết, PXS đã trả 2 đợt cổ tức bằng tiền trong năm 2011 là 15%.

Bên cạnh đó, PXS đã sửa đổi vốn điều lệ của Công ty là 375,18 tỷ đồng và địa chỉ trụ sở đăng ký của Công ty tại số 2 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

*DXG: Từ 14/2 đến 4/4, ông Trần Khánh Quang, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG), đã bán 20.000 cổ phiếu DXG để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, do đó giảm số cổ phiếu nắm giữ xuống còn 156.000 cổ phiếu.

*MBB: Từ 15/3 đến 4/4, ông Nguyễn Hồng Sơn, con ông Nguyễn Xuân Trường, Thành viên Ban kiểm soát Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB - sàn HOSE), đã bán 10.000 cổ phiếu MBB để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, do đó giảm số cổ phiếu nắm giữ xuống còn 35.867 cổ phiếu. Vào lúc 7h30’ thứ Năm ngày 26/4 tới, MBB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2012 tại Phòng Grand Ballroom, Khách sạn Hà Nội Deawoo, Số 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

*DMC: Ông Huỳnh Trung Chánh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), đăng ký bán bớt 100.000 cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, qua đó giảm cổ phiếu sở hữu từ 139.237 cổ phiếu, tương đương 0,78%, xuống còn 39.237 cổ phiếu, tương đương 0,22%. Thời gian thực hiện giao dịch từ 16/4 đến 15/6.

*MDG: Ông Nguyễn Văn Khóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Miền Đông (MDG - sàn HOSE), đăng ký mua thêm 50.000 cổ phiếu MDGtừ ngày 23/4 đến ngày 18/6. HIện ông Khóa đang nắm giữ 230.869 cổ phiếu MDG.

Được biết, ngày 20/4, MDG sẽ thanh toán cổ tức đợt 2/2010 bằng tiền theo tỷ lệ 7% và dự kiến vào ngày 27/4, MDG sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2012.

*SSC: CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC - sàn HOSE) đăng ký bán 200.000 cổ phiếu quỹ từ ngày 18/4 đến ngày 18/9. Hiện Công ty có 200.980 cổ phiếu quỹ.

*HCM: Ngày 18/4 là ngày chính thức giao dịch của 250.770 cổ phiếu phát hành thêm của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM) trên HOSE. Đây là số cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo chương trình ESOP 2009 trong tổng số 836.900 cổ phiếu đã được niêm yết bổ sung.

*SMC: Từ 21/2 đến 10/4, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), đã mua thêm được 400.000 cổ phiếu SMC, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 4.208.243 cổ phiếu, tương đương với 14,26%, lên thành 4.608.243 cổ phiếu, tương đương với 15,61%.

*SCD: CTCP Chứng khoán BIDV, cổ đông lớn CTCP Nước giải khát Chương Dương (SCD), đăng ký bán 100.000 cổ phiếu SCD từ ngày 16/4 đến ngày 15/6 để cơ cấu danh mục đầu tư. HIện BSC đang sở hữu 509.520 cổ phiếu SCD, tương đương 6% vốn điều lệ SCD.

Kể từ 10/4, Templeton Frontier Markets Fund không còn là cổ đông lớn của SCD khi đã bán 20.110 cổ phiếu và không mua cổ phiếu SCD nào trong tổng số 254.340 cổ phiếu SCD đăng ký vừa mua vừa bán, do đó giảm lượng cổ phiếu sở hữu từ 438.560 cổ phiếu, tương đương 5,17%, xuống còn 418.450 cổ phiếu, tương đương 4,94%.

*VTB: CTCP Viettronics Tân Bình (VTB - sàn HOSE) mới công bố thành lập thêm công ty con là CTCP Vitek VTB TP. HCM,  trụ sở chính tại số 248A Nơ Trang Long, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM. Vitek VTB TP. HCM có vốn điều lệ là 6 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ VTB chiếm 51% vốn, còn lại 49% vốn là của cổ đông sáng lập. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại các mặt hàng điện tử, điện gia dụng. Trước đó, VTB đã thành lập một công ty con khác là CTCP Vitek VTB Hà Nội.

Được biết, VTB đã bị HOSE đã nhắc nhở vì chậm công bố thông tin thành lập các công ty con này. Về lỗi này, VTB đã nghiêm túc nhận khuyết điểm và hứa sẽ khắc phục sai phạm.

*DHC: Cho đến ngày 10/4, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT - sàn HOSE), cổ đông lớn của CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC - sàn HOSE), đã mua 10.000 cổ phiếu và đã bán 230.000 cổ phiếu ABT, do đó giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 2.415.348 cổ phiếu, tương đương 16,1%, xuống còn 2.195.348 cổ phiếu, tương đương 14,64%.

Được biết, ABT đã bị HOSE đã nhắc nhở do từ 10/2 đến 26/3 đã giao dịch cổ phiếu DHC nhiều lần, làm thay đổi số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá 1% số lượng cổ phiếu cùng loại đang lưu hành nhưng không công bố thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn.

*KHA: Ông Đinh Lê Chiến, Thành viên HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA - sàn HOSE), đăng ký mua 200.000 cổ phiếu KHA từ ngày 16/4 đến ngày 16/6. Hiện ông Chiến đang nắm giữ 266.930 cổ phiếu KHA. Được biết, từ 10/1 đến 10/4, Công ty đã mua xong 400.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

*TTP: Templeton Frontier Markets Fund, cổ đông lớn CTCP Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP - sàn HOSE), đăng ký mua 390.780 cổ phiếu và đăng ký bán 750.100 cổ phiếu TTP  từ ngày 16/4 đến ngày 16/6. Hiện tổ chức này đang nắm giữ 1.109.220 cổ phiếu TTP, tương đương 7,39% TTP. Được biết, trong đợt giao dịch từ 6/2 đến 6/4, Templeton Frontier Markets Fund đã không mua, bán được cổ phiếu nào do giá chưa phù hợp.

*SGT: CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT - sàn HOSE) đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đồng, Tổng giám đốc Công ty là Người công bố thông tin của Công ty, thay thế cho ông Hoàng Sỹ Hóa kể từ ngày 18/4/2012.

*STB: Để công tác chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2012 được tốt hơn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB - sàn HOSE) đã xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội chậm nhất là ngày 31/5/2012.

*TNT: HOSE đã nhắc nhở ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tài Nguyên (TNT - sàn HOSE) vì đã bán 941.010 cổ phiếu TNT vào ngày 2/3/2012 nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.

*SRF: Qũy đầu tư chứng khoán Bản Việt, cổ đông lớn CTCP Kỹ nghệ lạnh (SRF), đăng ký đồng thời mua và bán 163.800 cổ phiếu SRF từ ngày 16/4 đến ngày 16/6. Hiện quý này đang nắm giữ 1.657.030 cổ phiếu SRF, tương đương 22,66% SRF.

*JVC: Từ 10/2 đến 10/4, Vietnam Equity Holding, cổ đông lớn CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), đã mua 1.108.510 cổ phiếu JVC, do đó nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 1.315.000 cổ phiếu, tương đương 5,43%, lên thành 2.423.510 cổ phiếu, tương đương 7,53%.

*CTD: Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Cotec (CTD), đăng ký mua 350.000 cổ phiếu CTD, qua đó nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 1.864.666 cổ phiếu, tương đương 5,869%, lên thành  2.214.666 cổ phiếu, tương đương 6,97%. Thời gian thực hiện giao dịch từ 16/4 đến 22/5.

*LSS: Ông Hà Đức Chính, Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS - sàn HOSE) đã báo cáo kết quả hoàn tất giao dịch chậm trễ sau khi đăng ký giao dịch ngày 17/2/2012.

*ASP: HOSE đã quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Tập đoàn dầu khí An Pha (ASP - sàn HOSE) vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/4/2012 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2011 là -15,9 tỷ đồng.

*DRH: HOSE cũng đã đưa cổ phiếu của CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước(DRH - sàn HOSE) vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/4/2012 do lợi nhuận sau thuế năm 2011 là -3,92 tỷ đồng.

*QCG: Cổ phiếu của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng bị HOSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/4/2012 vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2011 là -39,83 tỷ đồng.

*TLC: HNX chính thức đưa cổ phiếu của CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC - sàn HNX) vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/4/2012 do lợi nhuận sau thuế tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bị âm liên tiếp trong hai năm 2010 và 2011 lần lượt là -30,4 tỷ đồng và -35,9 tỷ đồng.

HNX sẽ có thông báo về việc đưa cổ phiếu TLC ra khỏi diện bị kiểm soát sau khi Công ty khắc phục được tình trạng nêu trên theo Quy chế niêm yết chứng khoán của Sở.

*CTC: Từ ngày 12/4 đến ngày 11/6, ông Đinh Vạn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Văn hóa du lịch Gia Lai (CTC - HNX) đăng ký mua 100.000 cổ phiếu CTC. Trước đó, ông Dũng đã mua 100.000 cổ phiếu CTC, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 738.274 cổ phiếu CTC.

*AMV: CTCP Sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV - HNX) thông báo, ngày 23/4 sẽ chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 20/5, tại Hội trường Công ty, 1251 Quốc lộ 14, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

*LAS: Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, thành viên Ban kiểm soát CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS - HNX), đăng ký mua 10.000 cổ phiếu LAS từ ngày 13/4 đến ngày 12/6. Hiện bà Thúy nắm giữ 5.000 cổ phiếu LAS.

*PCG: HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Gas đô thị (PCG - HNX) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2012. Cụ thể, doanh thu dự kiến 854,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,61 tỷ đồng và mức chia cổ tức 5%. Theo báo cáo kiểm toán năm 2011, PCG đạt 605,39 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6,7 tỷ đồng và cổ tức 3% bằng tiền mặt.

*CMC: Bà Lê Thị Tuyết Nhung,vợ ông Ngô Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư CMC (CMC - HNX) đã mua xong 76.000 cổ phiếu CMC, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 226.000 cổ phiếu CMC.

*PPE: Ngày 19/4 là ngày đăng ký cuối cùng tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012 của CTCP Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam (PPE - HNX). Thời gian họp dự kiến trong tháng 5/2012, địa điểm Công ty sẽ thông báo sau.

*PVX: Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX - HNX) dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012 trong tháng 5. Thời điểm chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 18/4.

Tuesday, April 10, 2012

Nhiều ngân hàng có khả năng phải rút vốn

Tương tự như cú “nước rút” giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trong năm 2011, nhiều ngân hàng có khả năng phải hồi vốn, nếu chính sách đang bàn thảo được ban hành.

Bản dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã được công bố.
Nếu áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về.
Nếu áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về.
Như những thông tin được VnEconomy đề cập vừa qua, một nội dung quan trọng dự kiến thay đổi là chuyển nhóm tài sản có hệ số rủi ro từ 250% xuống nhóm 150%. Đây là những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Nếu như vậy sẽ giảm tải áp lực hệ số an toàn vốn (CAR), tạo điều kiện nhất định để các ngân hàng có thể mở rộng cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chật vật từ đầu năm.

Theo ban soạn thảo dự thảo, lý do để điều chỉnh hệ số trên là do tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản hiện nay có nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đã ý thức được mức độ rủi ro đối với các hoạt động này, đồng thời đây là những hoạt động thuộc danh mục Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích và yêu cầu phải giảm tỷ lệ xuống dưới 20% trong năm 2011, cũng như áp giới hạn tỷ trọng tối đa 16% trong năm 2012.

Điểm sửa đổi quan trọng thứ hai là tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR). Bản thân việc tái áp tỷ lệ này đã là một tác động lớn đối với việc sử dụng vốn của các ngân hàng; thêm nữa, dự thảo còn đưa ra một số thay đổi về việc xác định các cấu phần để tính LDR.

Trước đó, với Thông tư 13, việc áp tỷ lệ LDR đã được xác định là 80% và 85% (đối với ngân hàng thương mại và công ty tài chính). Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi bằng Thông tư 19 với những thay đổi đáng kể. Và cuối cùng là sự gỡ bỏ.

Hiện dự thảo trên đang được đưa ra lấy ý kiến các thành viên trong hệ thống, và nếu ban hành thì một lần nữa quy định về LDR được “tái sinh” và có tác động lớn tới nguồn vốn các nhà băng, thậm chí có thể tạo sức ép với yêu cầu phải rút vốn để đảm bảo các giới hạn quy định.

Theo nội dung dự thảo, quy định và yêu cầu về tỷ lệ LDR sẽ được tái lập và giữ nguyên như trong Thông tư 13; tức tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng chỉ được 80% và 85% thay vì “thả nổi” như hiện nay. Cũng có một hướng khác là sẽ nâng lên là 95% và 100% (nới lỏng hơn). Và một điểm quan trọng khác dự tính là dư nợ cho vay và tiền gửi sẽ chỉ được tính trên thị trường 1.

Với những dự kiến sửa đổi và bổ sung trên, một khả năng đang đặt ra là nếu chính thức ban hành thì nhiều ngân hàng sẽ đứng trước áp lực phải rút vốn.

Thứ nhất, với việc áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về; đáng chú ý là theo dự thảo, dư nợ sẽ bao gồm cả các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư. Đây là một áp lực đáng kể khi dữ liệu của một cơ quan chuyên trách công bố mới đây cho hay tỷ lệ LDR của hệ thống thời gian gần đây đã vượt trên 100%.

Thứ hai, nếu chỉ tính dư nợ cho vay và tiền gửi trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức), áp lực đảm bảo LDR càng lớn. Bởi lâu nay tiền gửi huy động trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) là một cấu phần đáng kể của nhiều ngân hàng thương mại. Nếu phần này bị “gạt” đi, mẫu số so sánh bị nhỏ đi, tỷ lệ cho vay buộc phải co lại “tương ứng”, hay có thể phải rút vốn và giảm cho vay ra để đảm bảo quy định.

Ở điểm thứ hai này, VnEconomy cũng đã trao đổi với một lãnh đạo chuyên trách, trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo. Thông tin nhận được là một hướng mở: trước hết, vốn huy động trên thị trường 2 được xác định là tiền gửi; dự thảo thông tư đưa ra các quy định dự kiến, các phương án để trước mắt lấy ý kiến của các thành viên, tôn trọng thực tế hoạt động của các ngân hàng, cũng như tiếp thu các tiêu chuẩn hợp lý trên thế giới, sau đó sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định.

Liên quan đến nguồn vốn huy động trên liên ngân hàng, ở một vấn đề khác, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cũng từng khẳng định rằng đó là tiền gửi và chưa bao giờ là cho vay. Khẳng định này được ông nhấn mạnh khi phản ứng về việc các ngân hàng lớn đưa ra yêu cầu phải có tài sản thế chấp khi giao dịch trên thị trường này, phát sinh từ hồi tháng 10 năm ngoái…

Như thông tin từ thành viên tham gia xây dựng dự thảo, những quy định trên mới chỉ là dự kiến và sẽ tiếp tục hoàn thiện, nhưng giả sử được chốt lại và ban hành, những ngân hàng có tỷ lệ LDR vượt mức (nhất là nếu không tính vốn huy động liên ngân hàng vào tổng tiền gửi) sẽ buộc phải rút vốn về, cùng với đó là khả năng phải tăng cường huy động để nâng cao hơn tổng tiền gửi và điều này khiến lãi suất sẽ căng thẳng thêm, giảm lãi suất cho vay lại thêm một trở ngại.

Tất nhiên, trong trường hợp những quy định dự kiến trên được ban hành, Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ đặt ra một lộ trình hợp lý, tạo điều kiện để các ngân hàng cân đối lại nguồn vốn, tránh “cuộc đua nước rút” như từng có trong năm 2011 về thực hiện giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.

Hiệu lực của thông tư đang dự thảo đưa ra thời điểm dự kiến có hiệu lực là từ ngày 1/6/2012; và trong vòng 45 ngày kể từ khi ký ban hành, trường hợp không đảm bảo được các tỷ lệ yêu cầu sẽ không được tiếp tục cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần… và phải có phương án xử lý để đảm bảo yêu cầu.

Đặt trong trường hợp những ngân hàng phải rút vốn về đảm bảo tỷ lệ LDR nói trên, áp lực có lẽ cũng không hẳn quá lớn, khi chính sách tín dụng nhìn chung trong vài năm trở lại đây chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn, có thể sớm hồi vốn; tỷ lệ LDR quy định như trên cũng không quá thấp, thậm chí có thể được nâng lên 95% và 100%.

Mặt khác, theo xác định trong dự thảo thông tư, tiền gửi của cá nhân và tổ chức là được chấp nhận toàn bộ tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn, nới hơn so với trước đây là lượng tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức chỉ được tính vào là 25%.

Ngoài ra, như đề cập ở trên, việc chuyển các tài sản có hệ số rủi ro 250% xuống nhóm 150% cũng là một sự nới lỏng nhất định có lợi cho việc sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng.

Theo Nguyenthanhphuongvn.net

Monday, April 9, 2012

Nhà đầu tư Việt mua thị trấn Mỹ


Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế (IDS), có trụ sở tại TP. HCM là người đã trả 900.000 USD để mua thị trấn Buford tại bang Wyoming của Mỹ, hãng tin BBC cho hay.
Đường vào Buford, thị trấn lâu đời thứ hai ở tiểu bang Wyoming, nước Mỹ.
Đường vào Buford, thị trấn lâu đời thứ hai ở tiểu bang Wyoming, nước Mỹ.
Vài ngày trước, báo chí Mỹ đưa tin, một nhà đầu tư Việt Nam đã thắng trong cuộc đấu giá thị trấn Buford. Thị trấn này được ông Don Sammons, cư dân duy nhất tại Buford, rao bán từ hồi giữa tháng 3, với giá khởi điểm 100.000 USD.

Trong cuộc bán đấu giá diễn ra hôm 5/4, mức giá khởi điểm mà các nhà đầu tư trả là 100.000 USD, sau đó giá nhanh chóng tăng lên đến 900.000 USD, tương đương khoảng 19 tỷ VND. Người thắng cuộc là một nhà đầu tư tới từ Việt Nam.

Theo hãng môi giới địa ốc Williams & Williams, người Việt Nam mua thị trấn Buford, thuộc bang Wyoming nằm ở miền Trung nước Mỹ là doanh nhân đến từ TP. HCM. Ông này đã bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ tham dự cuộc đấu giá.

Khi đó hãng địa ốc này đã từ chối tiết lộ danh tính của doanh nhân Việt Nam. Trả lời hãng tin BBC, đại diện của Williams & Williams nói rằng, khách hàng này của họ “chưa muốn trả lời truyền thông lúc này”.
Tuy nhiên, theo BBC, cuối tuần qua, một tờ báo Việt Nam cho hay, doanh nhân này là ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc IDS. BBC cho biết, trên Internet có một website ghi tên công ty và email liên lạc của ông Nguyên, nhưng không có gì khác.

Trong lời phát biểu được chuyển qua người đại diện của mình, ông Nguyên nói: “Sở hữu một mảnh đất ở Mỹ là mơ ước của tôi. Vì thế tôi quyết định bay sang Wyoming đấu giá. Chuyến đi thật dài nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Đúng là giấc mơ Mỹ”.

Là thị trấn lâu đời thứ hai ở Wyoming, Buford tọa lạc trên Interstate 80, trục đường chính nối từ New York tới San Francisco. Thị trấn này nằm trên độ cao 2.438m và cũng có mã vùng riêng trên bản đồ bưu chính của Mỹ.

Burford được đặt tên theo Tướng John Buford, người anh hùng của nước Mỹ trong thời Nội chiến. Buford đã lãnh đạo một đạo quân khai hỏa trong trận Gettysburg và ghi danh trong nhiều mặt trận khác. Ông dành cả cuộc đời cho quân đội Mỹ.

Thị trấn Buford cũng ghi dấu ấn với sự có mặt của tay cướp nhà băng lão luyện Butch Cassidy. Cassidy từng tiến hành cướp bóc Buford và cũng đã từng được nếm trải mùi vị của nhà tù Wyoming Territorial ở Laramie, cách thị trấn 26 dặm về phía Tây.

Thị trấn này được thành lập khi tuyến đường sắt xuyên lục địa được xây dựng và từng có khoảng 2.000 cư dân. Tuy nhiên, vài chục năm nay, ông Don Sammons là cư dân duy nhất tại đây. Ông sở hữu tất cả mọi thứ.
Ông Sammons, năm nay 61 tuổi, đã đến Buford sống từ những năm 1980 cùng với vợ. Khi đó hai ông bà đang muốn tìm một nơi yên tĩnh. Sau khi vợ qua đời, ông mua thị trấn Buford năm 1992 với giá 155.000 USD từ một gia đình khác.

Ông sửa sang lại trạm xăng, dùng trường học cũ làm bưu điện và văn phòng…, biến Buford thành một điểm đỗ được khách du lịch ưa thích. Năm 2006, con trai ông chuyển đi nơi khác sống, Sammons trở thành công dân duy nhất ở đây.

Sunday, April 8, 2012

Ngân hàng nhà nước yêu cầu rà soát lại giao dịch Visa và MasterCard

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức phát hành và thanh toán thẻ, các tổ chức chuyển mạch thẻ và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn trong xử lý giao dịch thẻ.
Các giao dịch của thẻ Visa và MasterCard sẽ bị ngân hàng nhà nước rà soát lại
Các giao dịch của thẻ Visa và MasterCard sẽ bị ngân hàng nhà nước rà soát lại
Theo văn bản này, gần đây báo chí và các trang thông tin trong và ngoài nước đưa tin về vụ việc hệ thống xử lý thẻ của Global Payments bị tin tặc tấn công từ ngày 21/1-25/2. Điều này cho thấy tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Do vậy, để phòng ngừa, hạn chế các vụ việc tương tự có thể xảy ra tại Việt Nam và đảm bảo an toàn trong thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà nước đềnghịcác tổ chức phát hành thẻ phối hợp các tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard rà soát lại các giao dịch thẻ của chủ thẻ Visa và MasterCard do tổ chức mình phát hành có khả năng bị ảnh hưởng bởi vụ việc nêu trên để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời rủi ro, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng.
Theo VOV

Nợ xấu ngân hàng: mặt trái - mặt phải

“Có thể nói giai đoạn 1 là “chẩn bệnh” hệ thống đã hoàn thành khá xuất sắc, tất nhiên với cái giá phải trả cũng khá đắt. Ngân hàng Nhà nước đã ở thế chủ động để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức”.
Khi đã “dồn” được một số ngân hàng yếu kém vào tái cơ cấu, chi phí sẽ hết bao nhiêu và lấy tiền ở đâu, rộng hơn là để tái cơ cấu cả hệ thống?
Khi đã “dồn” được một số ngân hàng yếu kém vào tái cơ cấu, chi phí sẽ hết bao nhiêu và lấy tiền ở đâu, rộng hơn là để tái cơ cấu cả hệ thống?
Đây là đánh giá của TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), trong tham luận tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 8 và 9/4.

Theo phân tích tại tham luận này, có thể xem nợ xấu chính là một nhân tố “giúp” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Nợ xấu các ngân hàng là bao nhiêu ?

Theo Thông tư số 35, chậm nhất ngày 15/6/2012 tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trước thời điểm này, một số phân tích độc lập cũng đã ước tính những con số đáng tham khảo.

Tuần rồi, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho rằng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thể cao gấp 4 lần con số 3,3% được công bố. Ở đây có sự khác biệt quá lớn, có thể xuất phát từ cơ sở phân loại theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn của Việt Nam.

Còn nếu theo tỷ lệ 3,3%, con số nợ xấu của hệ thống ước tính là hơn 90 nghìn tỷ đồng.

Đó cũng là con số được TS. Trịnh Quang Anh đưa ra trong tham luận nói trên. Tuy nhiên, ông cũng dự phòng rằng: “Chúng tôi ước tính, nếu hạch toán đúng và áp dụng chuẩn quốc tế về phân loại nợ, nợ xấu ngân hàng thực chất sẽ đạt tới mức ít nhất là 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tức khoảng trên 10 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP hiện hành của Việt Nam”.

Và quan ngại được đưa ra, nếu so sánh mức nợ xấu này với mức vốn tự có đã điều chỉnh theo quy định hiện hành cộng với quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được trích lập, tỷ lệ này sẽ vượt quá 50% - mức báo động đỏ. Nhìn nhận này được diễn giải thêm, nhiều tổ chức tín dụng thực chất đã bị cụt hết vốn (hệ số CAR âm), tức đã mất khả năng thanh toán nhưng vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài là chỉ bị khó khăn về thanh khoản.

Cũng theo chuyên gia của Maritime Bank, trong tổng số dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng được báo cáo - hiện khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng (chưa tính các khoản cho vay dưới hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đảo nợ qua ủy thác đầu tư…), số đầu tư vào phân khúc phát triển dự án xây dựng và đầu cơ bất động sản ước chiếm tới 90%. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, sụt giá và chưa có dấu hiệu hồi phục tới cuối 2012, riêng nợ xấu từ khu vực này có thể chiếm tới 60% tổng nợ xấu ngân hàng.

Điểm đến chưa phải cuối cùng...

Nợ xấu gia tăng tạo thêm áp lực cho khó khăn thanh khoản; sức ngân hàng yếu đi và dễ bị “dồn” đến yêu cầu tái cơ cấu, nhất là khi các cửa tìm vốn bị siết lại. Mối liên hệ này được TS. Trịnh Quang Anh đưa ra trong tham luận của mình, một phần giải thích vì sao quá trình tái cơ cấu hệ thống đang diễn ra khá nhanh như vậy.

Chuyên gia này nhìn nhận rằng, thanh khoản hệ thống vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do vấn đề nợ xấu ngân hàng chưa thể được giải quyết sớm. Thêm vào đó, sự kiện trần lãi suất huy động được tái áp đặt đầu tháng 9/2011 đã đẩy hệ thống vào nguy cơ rủi ro cao hơn khi mà vấn đề thanh khoản hệ thống chưa được giải quyết, và chắc chắn chưa thể được giải quyết sớm khi gốc của vấn đề là chất lượng tài sản ngân hàng thấp và có nguy cơ ngày càng xấu đi (chủ yếu do các yếu tố ngoại sinh: điều kiện vĩ mô chưa được cải thiện vững chắc, các thị trường tài sản tiếp tục suy giảm hoặc đóng băng, sản xuất có dấu hiệu rơi vào đình trệ...).

Với các ngân hàng yếu kém, từ gánh nặng nợ xấu gia tăng, thanh khoản trở nên ngột ngạt hơn khi cộng thêm khó khăn huy động vốn với trần lãi suất. Tình thế buộc phải vượt trần có từ đây. Nhưng đó không phải là con đường chính yếu và lâu dài, họ buộc phải dựa vào huy động ở thị trường 2 - liên ngân hàng.

Thế nhưng, nợ xấu liên ngân hàng nổi lên. Các điều kiện cầm cố, thế chấp xuất hiện phổ biến và thị trường liên ngân hàng rơi vào tình trạng “đóng băng”. Theo TS. Trịnh Quanh Anh, lãi suất liên ngân hàng vừa qua có xu thế giảm khá rõ rệt, tuy nhiên không phán ánh đúng cung - cầu vốn khi mà phạm vi lẫn quy mô của thị trường bị thu hẹp do các ngân hàng hạn chế cho vay và tập trung thu hồi nợ liên ngân hàng đã khiến khối lượng giao dịch sụt giảm.

Và điểm đến cuối cùng là: “Một số ngân hàng thiếu hụt thanh khoản, khi không thể huy động được vốn trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2, đường cùng đã buộc phải tìm đến cửa sổ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và chấp nhận các điều kiện kiểm soát khắt khe hay yêu cầu tái cơ cấu của cơ quan quản lý”.

Nhưng chưa hẳn đã là vấn đề cuối cùng. Trong tham luận của mình, TS. Trịnh Quang Anh đặt ra một số câu hỏi còn để ngỏ, và một điểm được nhấn mạnh: khi đã “dồn” được một số ngân hàng yếu kém vào tái cơ cấu, chi phí sẽ hết bao nhiêu và lấy tiền ở đâu, rộng hơn là để tái cơ cấu cả hệ thống?

“Giả thiết tổng chi phí tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng chiếm khoảng 15-20% GDP và ít nhất 60% số tiền này phải có ngay trong năm 2012 để trước hết là làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng, nếu vậy, nguy cơ phải cầu viện đến sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, là hoàn toàn hiện hữu. Khi đó, sự suy giảm chủ quyền trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng cũng như nguy cơ thị phần hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước bị chiếm lĩnh bởi các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài là dễ nhận thấy”, bản tham luận đưa ra một giả thiết.

Ngân hàng bị sáp nhập do đâu ?

Giáp Tết Nguyên đán vừa qua, Thống đốc cho biết trong quý 1/2012, sẽ sáp nhập 5 - 8 ngân hàng. Nay đã sang quý 2/2012, nhưng các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
Trong lúc chờ đợi, việc mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng mất thanh khoản và bị sáp nhập kể cũng đáng được quan tâm.

Quản trị lỏng lẻo

Chắc chắn thời điểm để Ngân hàng Nhà nước công bố cụ thể không còn xa vì theo thông tin mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đang dần kết thúc thanh tra những ngân hàng trong diện bị sáp nhập và lúc đó, mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn.

Nhưng, một câu hỏi đặt ra: tại sao thanh khoản của các ngân hàng trên lại bi đát, để rồi bị thâu tóm?

Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, vốn đang giữ vai trò “se duyên” cho các thương vụ sáp nhập một cách không chính thức, lý giải: nguyên nhân lớn nhất là quản trị lỏng lẻo, xuất phát từ “cho vay nội bộ” ở các ngân hàng.

Theo ông, phần lớn là các ông chủ, các cổ đông lớn sau khi nắm giữ ngân hàng đã tìm mọi cách lấy tiền ngân hàng mình phục vụ cho các tập đoàn bất động sản, đầu tư sân golf sau lưng, với vô vàn cách thức lắt léo.

Ví dụ, để tránh quy định cấm cho vay “người liên quan” theo luật định, họ nhờ người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông “hờ”. Với mỗi cổ đông “hờ” giữ 3% - 5% vốn điều lệ, chỉ cần 10 suất, một chủ thực sự đã có 50% đến 70% vốn pháp định bằng lá bài này.

Một dạng khác, ông chủ đứng tên chủ ngân hàng cùng nhiều cổ đông khác nhưng thực chất là anh em, họ hàng hoặc người thân tín.

Với cách thức đó, các ông chủ ngân hàng, dù chính thức hay không, gần như toàn quyền quyết định các vấn đề trọng yếu, đặc biệt là cấp tín dụng cho các dự án của mình. Thế nên, không có gì phải ngạc nhiên khi phía sau ngân hàng luôn lấp ló các dự án bất động sản, sân golf mà nếu hời hợt bên ngoài, rất khó phát hiện ra và may lắm, mới có một  dự án thực sự đầu tư chiều sâu cho nền kinh tế.

Theo vị chuyên gia trên, đây là căn bệnh cho vay nội bộ đã có từ đợt tái cấu trúc ngân hàng chục năm trước và lần này lại có dịp bùng lên. Cũng chính vì quản trị lỏng lẻo, cho vay dễ dãi vào các dự án có thời hạn dài, trong khi nguồn lực mỏng và ngắn; gặp lúc thị trường bất động sản đình trệ, các ngân hàng trên rơi vào tình trạng “bóc ngắn, cắn dài”, “giật gấu vá vai” và bị mất thanh khoản.

Áp lực tăng vốn

Tuy nhiên, theo ông này, còn một nguyên nhân sâu xa khác, chính là áp lực từ Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ban hành ngày ngày 22/11/2006  và sau này sửa đổi thành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/1/2011 về việc bắt buộc các ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ từ mức 1.000 tỷ đồng đến năm 2008 và nâng lên 3.000 tỷ đồng đến năm 2011.

Bởi, khi tăng vốn điều lệ thì buộc các ngân hàng thương mại phải tăng tổng tài sản lên mức tương ứng để tránh lỗ. Vì thế, họ cuống cuồng mở chi nhánh và tìm khách hàng cho vay, điều không dễ dàng vì những vị trí đắc địa, khách hàng tốt đã bị những ngân hàng lớn đi trước chiếm giữ. Và lối thoát gần như duy nhất là tìm đến loại khách hàng dễ cho vay nhất, dễ kiếm lời nhất, khả năng cung bao nhiêu vốn cũng hết, đó là bất động sản. Thậm chí, ngay cả cho vay tiêu dùng cũng chảy vào bất động sản.

Song song với cạnh tranh cho vay, việc cạnh tranh huy động vốn cũng quyết liệt không kém. Thế mới có tình trạng ngân hàng này dâng lãi suất lấy vốn của ngân hàng kia, mặc dù Ngân hàng Nhà nước ban hành trần lãi suất nhưng liên tục bị xé rào.

Nhưng có lẽ trước khi bàn đến câu chuyện trên thì vấn đề đáng quan tâm hơn cả là ngân hàng lấy đâu ra hàng nghìn tỷ đồng để tăng vốn pháp định, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm. Nguyên một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tiết lộ: lấy vốn từ “xoay vòng trái phiếu”, hay nói cách khác, lấy tín dụng của mình để đắp vào vốn pháp định với chiêu thức phối hợp rất nhịp nhàng và tinh vi giữa các ngân hàng với nhau.

Đơn cử, ông chủ ngân hàng A sẽ thành lập doanh nghiệp A’ và ngân hàng B cũng thành lập doanh nghiệp B’. Sau đó, doanh nghiệp A’ phát hành trái phiếu thì ngân hàng B mua; còn doanh nghiệp B’ phát hành trái phiếu thì ngân hàng A mua. Khi doanh nghiệp A’ thu được tiền từ bán trái phiếu cho ngân hàng B, với vài bút toán đơn giản, số tiền này được biến thành vốn điều lệ của ngân hàng A và ngược lại.

Cứ như vậy, ngân hàng và doanh nghiệp chỉ cần xoay vòng trái phiếu khoảng 3 – 4 lượt là có thể đắp đủ số vốn điều lệ cần thiết. Việc thanh toán nợ nần cho nhau sau này cũng diễn ra êm đẹp như lúc họ thỏa thuận phát hành trái phiếu.

Điều này lý giải không phải bỗng dưng khi cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã ra tay dẹp “nạn” trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, bằng cách yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng thống kê toàn bộ doanh số mua bán trái phiếu doanh nghiệp và gom tất cả vào khoản mục tín dụng.

Tất nhiên, động thái này một mặt nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mỗi ngân hàng nhằm phục vụ mục tiêu thắt chặt tiền tệ nhưng mặt khác, nhà điều hành sẽ nắm được khá chi tiết dòng tiền mua bán trái phiếu giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang… ở đâu!

Như vậy, những câu hỏi mà đến nay vẫn chưa ai trả lời và chịu trách nhiệm về mình là: yêu cầu tăng vốn pháp định nói trên có theo quy tắc thị trường hay không? Vì sao tăng vốn không xuất phát từ nhu cầu của các ông chủ ngân hàng và/hoặc do yêu cầu của nhà nước đối với từng trường hợp cá biệt mà lại phải tăng đồng loạt như vậy? Và với những bất cập như vậy, có nên tiếp tục duy trì sự tồn tại của Nghị định 141/2006/NĐ-Chính phủ và Nghị định số 10 sửa đổi Nghị định 141? 
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy